Bàn chân bẹt: Tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị

Ngày đăng 28/03/2022 09:52

Bàn chân bẹt là hội chứng không quá hiếm gặp hiện nay. Những biến chứng của căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến các cơ xương khớp của người bệnh. Cùng Đại Việt Sport tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách chữa trị của hội chứng này.

hoi-chung-ban-chan-bet

Bàn chân bẹt là gì?

Bàn chân bẹt là tình trạng cấu tạo bàn chân không có vòm cong ở lòng bàn chân mà hoàn toàn bằng phẳng. Đây có thể coi là một dị tật, một bệnh lý về xương khớp khá phổ biến.

Cấu tạo vòm cong ở lòng bàn chân có tác dụng giảm phản lực từ mặt nền lên bàn chân khi cơ thể vận động, di chuyển; giúp bàn chân chịu lực tốt hơn.Không những vậy, vòm cong lòng bàn chân còn có vai trò điều chỉnh trọng tâm, giữ thăng bằng cho cơ thể.

ban-chan-bet-la-gi

Vì vậy, khi bàn chân bị dị tật, không có vòm sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho xương khớp do cạnh trong lòng bàn chân sẽ áp sát xuống mặt nền khi đi đứng, vận động khiến trục cơ thể có xu hướng xoay vào phía trong, mất cân đối gây ảnh hưởng đến các khớp cổ chân, đầu gối, khớp háng và cả cột sống; đồng thời người bệnh sẽ không đạt được trạng thái cân bằng nên rất dễ bị té ngã khi di chuyển.

Thông thường, trẻ em khi mới sinh ra cho đến 1-2 tuổi đều có hình dạng lòng bàn chân bằng phẳng như kiểu bàn chân bẹt; nhưng đến độ tuổi lớn hơn, khi cơ xương khớp bắt đầu phát triển thì lòng bàn chân sẽ hình thành cấu trúc có vòm như bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến bàn chân bẹt

Tuy nhiên, một số trường hợp khi trẻ phát triển mà lòng bàn chân vẫn bằng phẳng, không có vòm thì có thể khẳng định trẻ đã bị dị tật bàn chân bẹt. Nguyên nhân gây ra tình trạng này rất nhiều, trước hết là do bẩm sinh, trẻ bị di truyền nếu trong gia đình có người đã bị dị tật này. 

nguyen-nhan-dan-den-ban-chan-bet

Nguyên nhân thường gặp nữa ở những người độ tuổi trưởng thành bị bàn chân bẹt là do hoạt động quá sức khiến xương khớp bàn chân bị tổn thương; do béo phì khiến trọng lượng cơ thể gây áp lực làm biến dạng bàn chân; do bệnh viêm khớp mãn tính; do lão hóa vì tuổi tác; do mang giày không phù hợp…Những nguyên nhân này khiến các mô liên kết, dây chằng bàn chân bị kéo giãn, lỏng lẻo khiến các xương bàn chân không được cố định chắc chắn nên không tạo thành vòm bàn chân như bình thường.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa cũng gây ra bàn chân bẹt là độ dài hai chân không bằng nhau nên bàn chân dài hơn thường bị phẳng hơn, không có vòm để tạo sự cân bằng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vẹo cột sống. Bên cạnh đó là nguyên nhân do các bệnh lý liên quan đến dây thần kinh và cơ như loạn dưỡng cơ, nứt đốt sống, bại não, hội chứng tăng động khớp, hội chứng mất mô kết nối trong cơ thể…

Cách chữa trị bàn chân bẹt

Thực tế, không phải tất cả bệnh nhân có dị tật bàn chân bẹt đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng về xương khớp, sức khỏe; nhưng có thể nói tỷ lệ những người bị biến chứng do cấu tạo bàn chân bẹt là không nhỏ. Cụ thể là bị biến dạng bàn chân; thoái hóa khớp, viêm khớp; đau nhức xương khớp; cong vẹo cột sống; gai gót chân, viêm cân gan bàn chân…

cach-chua-tri-ban-chan-bet

Do đó, khi phát hiện bị bàn chân bẹt, nhất là ở trẻ nhỏ, tốt nhất nên sớm áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả để dị tật này không biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ xương khớp.

Tùy theo từng trường hợp, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật tạo vòm bàn chân, thường áp dụng với bệnh nhân có dị tật quá nặng, cấu trúc xương bị biến dạng…

Đối với những trường hợp được phát hiện sớm thì có thể sử dụng miếng đế chỉnh hình bàn chân được thiết kế theo kích cỡ, hình dạng cụ thể của từng người bệnh. Miếng đế này có tác dụng điều chỉnh độ cong lòng bàn chân để hạn chế các biến chứng do cấu tạo bàn chân phẳng gây ra. Sử dụng thêm máy tập phục hồi chức năng sẽ giúp quá trình điều trị nhanh và hiệu quả hơn.